Site banner
Thứ bảy, 24. Tháng 5 2025 - 19:47

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Đô thị loại V Tiệm Tôm hôm nay, thị trấn ngày mai

Đề án xây dựng đô thị loại V và thành lập thị trấn Tiệm Tôm (gọi tắt là Khu vực phát triển đô thị) được hình thành từ năm 2006. Ngay bước đầu triển khai thực hiện, huyện đã được các sở, ngành tỉnh tham gia khảo sát thực tế và góp ý cho từng tiêu chí. Đến năm 2010, Khu vực phát triển đô thị đã đạt 78,2/100 điểm.

Một góc Khu vực phát triển đô thị.

Ông Huỳnh Văn Hôn - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, huyện đang đề nghị tỉnh công nhận đô thị loại V đối với khu vực Tiệm Tôm để tạo điều kiện thuận lợi tiến lên thị trấn Tiệm Tôm trong thời gian tới. Khu vực dự kiến thành lập thị trấn Tiệm Tôm gồm: 341,1ha đất của xã An Hòa Tây, 593,08ha đất của xã An Thủy và 19,75ha đất của xã Tân Thủy; phía Đông giáp rạch Bắc Kỳ, xã An Thủy, phía Tây giáp kênh Mới, xã An Hòa Tây, phía Nam giáp sông Hàm Luông và Bắc giáp xã An Hòa Tây - Tân Thủy - An Thủy.

Khi đề án được triển khai, đến nay, kinh tế của Khu vực phát triển đô thị chuyển dịch  nhanh theo hướng giảm dần khu vực I, tăng dần khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Năm 2010, tỷ trọng cơ cấu nông lâm - thủy sản đạt 50%, công nghiệp - xây dựng 15%, thương mại - dịch vụ 35%. Hiện khu vực phát triển đô thị có 313 cơ sở kinh doanh dịch vụ các loại, tăng 38 cơ sở so với năm 2010, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Mạng lưới thương mại đã phát triển rộng khắp, hình thức đa dạng và đa chủng loại mặt hàng, dịch vụ; nhất là sau khi chợ Tiệm Tôm, chợ Bãi Ngao được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Năm 2008, có 83 cơ sở đăng ký kinh doanh, năm 2010 tăng lên 103 cơ sở, với ngành nghề và quy mô được mở rộng, tạo nên bộ mặt mới cho Khu vực phát triển đô thị hiện nay. Diện tích đất nông nghiệp trong Khu vực phát triển đô thị chiếm trên 24,6% tổng diện tích đất tự nhiên. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các loại giống mới, quy trình công nghệ tiên tiến, nhiều khâu trong sản xuất được cơ giới hóa, hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh giúp cho việc thâm canh tăng năng suất hiệu quả, góp phần tăng sản lượng, cải thiện đời sống cho hộ dân.

Các cấp lãnh đạo địa phương vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân từng bước được cải thiện và ổn định. Mức thu nhập bình quân của người dân trong Khu vực phát triển đô thị luôn cao hơn mức bình quân của toàn huyện. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được tập trung thông qua việc lồng ghép với các chương trình mục tiêu xã hội như tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận vốn vay, giải quyết việc làm để phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo trong Khu vực phát triển đô thị còn 8,82%. Theo số liệu thống kê đến tháng 12-2010, trên địa bàn dự kiến phát triển đô thị có tổng số 3.136 căn nhà, trong đó nhà kiên cố 1.850 căn, nhà bán kiên cố 692 căn và số còn lại là nhà tạm bợ. Hiện Khu vực phát triển đô thị đã hình thành cụm dân cư tập trung khu vực, quy mô 15,6ha, bố trí 1.200 hộ dân, tỷ lệ xây dựng nhà kiên cố đạt gần 95%. Khu dân cư An Thủy I có quy mô 4,2ha, bố trí 212 hộ dân, hiện đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và phân lô chuyển giao cho người sử dụng. 4/4 ấp thuộc khu vực đều được công nhận ấp văn hóa; tỷ lệ hộ dân được công nhận gia đình văn hóa đạt 95,82%. 2 câu lạc bộ đờn ca tài tử, 2 câu lạc bộ dưỡng sinh, 2 câu lạc bộ bóng đá, 1 câu lạc bộ bóng chuyền, 1 câu lạc bộ cầu lông hoạt động thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe.

Khi đô thị loại V khu vực Tiệm Tôm được công nhận sẽ góp phần giúp giao thương thuận lợi, nhất là đối với các địa phương: Thạnh Phú, Giồng Trôm và các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh. Các tuyến đường trong Khu vực phát triển đô thị đang được đầu tư nâng cấp kết nối đường tỉnh 885, đường huyện và đường liên xã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Trong Khu vực quy hoạch phát triển đô thị có 3 giồng cát lớn phân bố kéo dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam gần như song song với bờ biển hiện tại đang được khai thác trồng rau màu đạt hiệu quả cao. Sông Hàm Luông cung cấp nguồn nước mặn, lợ phát triển nuôi thủy sản. Năm 2010, hộ dân trong khu vực này đầu tư nuôi và thu hoạch 320 tấn tôm, cá, trong đó tôm 220 tấn. Cảnh quan thiên nhiên của khu vực cũng có nhiều lợi thế, hệ sinh thái khá đa dạng và mang tính đặc trưng của vùng biển. Ngoài ra, Khu vực phát triển đô thị còn có nhiều tiềm năng phát triển các ngành nghề chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản, trồng trọt cung cấp nguồn thực phẩm và một số ngành nghề khác. Dân cư sống tập trung đông, nguồn tài nguyên nhân lực cần thiết cho phát triển kinh tế.

Ông Huỳnh Văn Hôn cho biết thêm, qua thẩm định, ngành hữu quan đã ghi nhận bước phát triển của Khu vực phát triển đô thị theo chiều hướng lạc quan; phần lớn các tiêu chí đã đạt. Đây cũng là cơ sở để UBND huyện kiến nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua nội dung đề án; Sở Xây dựng thẩm định đề án và trình HĐND, UBND tỉnh xem xét và quyết định công nhận Khu vực phát triển đô thị là đô thị loại V; UBND tỉnh và các ban, ngành tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội góp phần nâng cao năng lực cho khu vực phát triển ngày càng bền vững hơn.

Nguồn: Báo Đồng Khởi